Bay đi, thiên thần nhỏ

Post by

Điều kì diệu đã xảy ra vào đêm sinh nhật Hiền – Người bạn trân quý của tôi!
***
“Bức chân dung vẽ cô bé được đặt giữa căn phòng như ô vuông chỉ có một màu trắng. Trắng tăm tắp đều, phủ một lớp men láng bóng từng viên gạch lát nền. Trắng loang loáng chạy dài từ chân tường lên đến sàn nhà, chạy tít lên tận trần nhà, loang ra cả những ô chấn song cửa sổ đã lốm đốm gỉ, bám vào cửa sổ cũ phát ra tiếng cót két thành màu ngà ố.

Trắng đùa nghịch sà xuống những tấm ga trải giường, nuốt chửng cả ga và gối. Trắng đến hoang lạnh. Trắng đến rùng mình. Trắng hơn cả những giọt ánh trăng tràn lên những chiếc lá như dát bạc. Trắng hơn cả sương phủ khắp lối đi. Trắng như màu lũ trên các cánh đồng bão. Trắng như một màu băng mùa đông.

Đôi mắt cô bé được vẽ bằng một loại bút sáp xam xám buồn. Còn miệng em thì được kẻ bằng một loại chì khô khốc, nứt vỡ nên màu sắc cứ nhợt nhạt, những vết khô nẻ đua nhau chạy trên môi em cong xuống như một dấu mở ngoặc bị xoay chín mươi độ sang phải. Người họa sĩ hẳn sẽ thất vọng khi nhận ra rằng mình đã quên mất không vẽ cho em mái tóc mà để đầu em trọc lốc. Gã cũng quên mất không vẽ cho em cặp lông mày thanh tú.

Giá mà gã vẽ cho em một chút màu đen đen, bằng than củi cũng được. Nhưng gã đã chẳng quan tâm để ý đến việc trông bức tranh vẽ em phải ra sao mới đẹp. Gã hà tiện vẽ những cẳng tay em khô đét, đôi chân nhỏ xíu. Người em chui trong chiếc váy trắng rộng thùng thình. Em gầy đến mức đặt em trên giường thì sẽ chẳng trông thấy em đâu cả vì chiếc váy trắng bẹp dí xuống tận ga trải giường còm cõi.

Gã họa sĩ xấu xa đã biến một cô bé xinh xắn, vui tươi, thích nhảy múa thành khó coi như thế thật độc ác. Và tên gã họa sĩ độc ác đó là Bệnh Bạch Cầu. Gã đã vẽ nhiều cô bé, cậu bé khác thành ra như thế.

– Bệnh bạch cầu tức là chị sẽ không phải đi học nữa mà chuyển nhà luôn vào viện. Lúc nào cũng có người bên cạnh để trông cho chị khỏi bị chảy máu cam hoặc đứt tay. Bởi vì nếu chị bị chảy máu thì khó mà dừng được. Oách lắm nhé! Chị sẽ có hẳn một y tá riêng chuyên chọc cái kim qua da chị rồi hút máu hệt như ma cà rồng ấy. Chắc chị sẽ phải sợ phát khiếp lên được nhưng em thì chẳng sợ đâu. – Nếu có ai hỏi về bệnh bạch cầu là như thế nào thì em sẽ dõng dạc trả lời như thế

– À, oách thế cơ à? Em không sợ thật không đấy? – Khi người ta nghi ngờ, hỏi em như vậy thì em sẽ trả lời ngay rằng

– Thật đấy! Bởi vì em còn bận nghĩ đến những chuyện quan trọng hơn. Em tự hỏi làm thế nào để khi cái chết đến thì em đã biết rằng mình đã chết rồi. Với lại, khi chết rồi, em có được gặp bạn Tít ở giường bên cạnh không. Bạn Tít đã chết tuần trước rồi. Nhưng bạn ấy không biết rằng mình chết nên cứ ngủ mãi thôi. Đến lúc người ta cho bạn ấy vào quan tài chôn bạn ấy mà bạn ấy cũng không chịu dậy. Thế nên bạn ấy không về được nữa

Cô bé trầm ngâm một lúc rồi bảo:

– Liệu mọi người có đem chôn em lúc em đang ngủ mà không đánh thức em không hả chị?

– Không đâu. Sẽ không có chuyện đó xảy ra đâu. Em sẽ không chết đâu cô bé ạ.

Và khi có người nói thế, bất kể là ai, em sẽ nhìn lại cái nhìn kết tội bằng đôi mắt trong veo của một thiên thần. Đôi mắt lẫn cả nỗi buồn, sự giận dữ và một niềm nghĩ suy sâu sắc.

– Rồi sẽ đến lượt em thôi. Người thứ bảy rồi. Em sẽ là người thứ tám.



Không ai, không điều gì có thể thuyết phục được em thôi tin rằng em sẽ là người thứ tám, sau bảy đứa trẻ đã khép mắt lại và hóa thành linh hồn đùa giỡn với ánh mặt trời giữa những đám mây.

– Em hi vọng em sẽ có được một đôi cánh màu trắng. Đôi cánh xịn bay được hẳn hoi. Em sẽ bay lên trời và nhìn xuống trái đất qua cái ô nhỏ xíu. Em thích được bay lượn như chim ấy

Em thích kể chuyện nhưng các cô y tá lại không cho phép em nói nhiều. Họ sợ em kiệt sức. Họ sợ em bị ho và chảy máu cam nữa. Lúc ấy họ sẽ bắt em ngửa cổ ra sau, dùng bông gòn xoắn lại và nhét vào mũi em ngăn máu chảy. Nhưng em thì lén cúi xuống nhìn những giọt máu đỏ thẫm chảy xuống, tràn qua kẽ tay em, rơi xuống màu trắng của ga trải giường.

Em tin rằng mình sẽ chảy máu cho đến chết – em ám ảnh bởi cái chết. Các cô y tá sẽ truyền cho em một bịch tiểu cầu – là thứ giúp cho máu em đóng vảy mỗi khi bị thương và ngưng chảy. Nhưng cứ truyền mãi, truyền mãi, máu em kiệt sức nó mới thôi nghịch, chạy tung tăng ra làm các cô y tá cứ chạy loạn cả lên vì hoảng rồi lại lấy máu em đưa đi xét nghiệm. Đã hai năm như thế rồi. Tóc em cứ mọc lên lơ thơ rồi lại rụng. Hai năm, em đếm được bảy cái chết và sẵn sàng đếm lên thứ tám – cho mình.

Một buổi sáng, em cởi bỏ chiếc áo bệnh nhân xấu xí của mình và diện chiếc váy đẹp nhất mà em có, chiếc váy voan xòe ba tầng như nàng công chúa với chiếc nơ lớn trước ngực.

– Trông em như một thiên thần ấy

– Thiên thần phải lên thiên đường thôi. Đến lượt em rồi. – Cô bé đáp lại cô y tá xinh đẹp. Em nhìn chăm chú cô y tá gắn bó với mình suốt hai năm, tự nhủ sẽ đem hình ảnh dịu dàng của cô lên thiên đường. Khi chắc chắn rằng mình đã cất được hình ảnh cô vào trái tim, em nói – Hôm nay, em sẽ không uống thuốc nữa. Chị cũng đừng lấy máu em. Trông em ốm yếu quá, thần gác cổng sẽ không cho em vào đâu

Cô bé cứ như thế nằm xuống, đáng yêu như một thiên thần. Em không ăn, chỉ uống một chút xíu nước khi các chị y tá năn nỉ. Họ vây lấy quanh giường em, nước mắt giàn giụa và xin em đừng bỏ cuộc. Nếu em bỏ cuộc thì nghĩa là sẽ chẳng còn hi vọng gì nữa, mọi cố gắng của họ cũng trở thành vô ích.

– Nhưng em mỏi lắm. Em chỉ muốn nghỉ thôi.

Cô bé bắt đầu ngân ngấn nước mắt. Và em cứ nằm thế, từ buổi sáng đến trưa, rồi đến lúc mặt trời ngả bóng sang chiều, xiên chéo những tia nắng vào khuôn mặt em nhợt nhạt. Đôi mắt em nhắm như ngủ say. Toàn thân em bất động như nàng công chúa ngủ trong rừng, sẵn sàng cho giấc ngủ đến cả ngàn năm.

Bóng tối buông xuống, em vẫn không hề nhúc nhích. Các thiên thần bay lượn quanh giường em ca hát và nhảy múa nhưng chỉ có em là trông thấy. Chỉ có em nghe thấy tiếng hát của họ nên chỉ có mình em cười với họ. Đôi mắt em vẫn nhắm nghiền. Cơ thể em nhẹ bẫng, em đưa đôi tay mình cho một thiên thần dắt đi, bay ra ngoài cửa sổ.

– Đóng hết các cửa sổ lại.

– Đừng để nó chạy thoát.

Tiếng quát ầm ĩ trong phòng khiến em sợ hãi. Em nghe thấy tiếng đập phành phạch hoảng loạn của mình trên đôi cánh bằng lông vũ. Em nghe thấy cả tiếng hót nữa. Em sực nhớ ra rằng các thiên thần thì không bao giờ hót cả mà chỉ có các loài chim thôi. Tiếng chú chim đập hoảng loạn sợ hãi khiến em thương xót. Có chăng em sẽ giúp gì được cho chú? Em mở mắt ra. Hai mí mắt em dính chặt vào nhau. Em cố đưa tai lắng nghe nhưng hai tai em không nhận được âm thanh rõ ràng.

Em cố cử động ngồi dậy nhưng người em cứng đờ không nhúc nhích. Em mỏi quá. Con chim non vẫn đang bay trong phòng để tìm cách thoát khỏi những người đang tìm cách bắt nó lại. Họ chốt hết các cửa và dùng chổi đuổi bắt. Em thấy lo cho nó. Lỡ nó kiệt sức mà rơi xuống thì sao. Nó phải bay ra ngoài cửa sổ. Em thầm mong có ai đó cứu nó nhưng đáp lại em chỉ là tiếng hò hét “bắt lấy nó”. Em muốn lên tiếng cầu xin mọi người tha cho chú chim tội nghiệp nhưng em không thế hé ra lấy một lời. Em buông tay ra khỏi bàn tay của các thiên thần. Em bảo:


– Tớ phải cứu nó đã.

Các thiên thần sốt sắng giục

– Nhanh lên thôi! Sắp đến giờ đóng cổng rồi.

Em lại lắng tai nghe tiếng chú chim kêu thảm thiết. Và em rời hẳn khỏi tay của các thiên thần để họ bay đi mà không có em. Em về lại với thể xác mình và cố vùng dậy. Những ngón tay em khẽ nhúc nhích một cách yếu ớt. Mi mắt em khẽ chớp nhẹ. Em bừng tỉnh, thoát khỏi cơn mê. Cố vươn hết sức mình, em gồng dậy, bám vào chấn song cửa sổ ngay bên giường. Bàn tay bé xíu chạm tay vào chốt cửa. Em bặm môi lại ra sức kéo. Con chim tội nghiệp vẫn đập cánh tuyệt vọng trên trần nhà. Người ta đã sắp tóm được con vật bất hạnh này.

Tách! Chốt cửa bung ra. Em vươn tay, đẩy cánh cửa bung ra ngoài.

– Bay đi, hãy bay đi – Em nghe thấy giọng nói của mình lên tiếng

Chú chim liệng nghiêng, đôi mắt hướng ra ngoài, cảm nhận có gió bèn cuống quít lao ra, bay vút lên trời cao. Tiếng hót giải thoát thánh thót tràn trong đêm tối. Đôi môi em khẽ nở một nụ cười mãn nguyện. Giọt máu cam lại chảy dài trên mũi xuống môi, xuống gối, xuống ga trải giường. Em kiệt sức thiếp đi.

***

Cô y tá đến sớm, bước vào phòng bệnh. Gương mặt cô không cười, mang nặng nỗi buồn và âu lo. Hôm qua cô bé của cô đã trở nên rất yếu. Cô cố nén để giọt nước mắt kiềm chế không rơi khỏi đôi mắt đỏ hoe. Vừa đến cửa phòng, cô đã sững người lại. Giữa bức tranh màu trắng bệch nhợt nhạt, em bé như đã hồi sinh trở lại ngồi trên giường, chìa bàn tay ra ngoài cửa sổ, hứng lấy những giọt nắng như những chấm bi vàng. Em ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh tìm kiếm.

– Em tìm kiếm gì thế? – Cô y tá tò mò hỏi

– Em không thể nói cho chị biết được. – Em chìa tay ra cho cô y tá – Chị cứ lấy máu đi. Em sẽ ngoan ngoãn uống thuốc. Em hứa đấy. Em cần phải sống để bảo vệ nó – Cô bé lại hướng đôi mắt ra bên ngoài

Tiếng hót trong veo líu lo cất lên chào ngày mới. Cả đàn chim xếp hàng trên cành cây chót vót cao ngay bên cửa sổ của cô bé với khúc ca rộn ràng. Người họa sĩ mới đã đến, vẽ lại nét cọ mới trên gương mặt và trong đôi mắt em. Người họa sĩ tên là Nhân Ái ấy còn rủ thêm những họa sĩ khác là Niềm Hi Vọng, Niềm Vui,…đến tô lại màu sắc cho bức tranh cũ ảm đạm đang bị bong dần lớp sơn.”

Thu gập lại cuốn sách mà chị y tá mang đến hôm qua, câu chuyện về cô bé bị bệnh bạch cầu đã hồi phục nhiều năm trước. Em soi gương mặt hốc hác, mái tóc chưa kịp mọc từ đợt hóa trị lần trước trong chiếc gương đồ chơi bé xíu. Căn bệnh ung thư tủy xương đã biến bệnh viện thành nhà em suốt bốn năm ròng. Em đã phải phẫu thuật tháo khớp đầu gối. Em không muốn phẫu thuật tháo khớp háng nữa. Em cũng không muốn tóc mình tiếp tục rụng và nhận thứ hóa chất khủng khiếp vào người. Em mệt mỏi nhìn ra ngoài cửa sổ buồn bã

– Sẽ chẳng có chú chim nào bay vào đây đâu – Em nói – Chẳng bao giờ có

Chị y tá cúi xuống bên em, nắm chặt lấy đôi bàn tay bé nhỏ:

– Đừng bao giờ đáwtnh mất hi vọng, cô bé à. Sẽ có chú chim mang hi vọng tới cho em.

Thu mở câu chuyện ra, đọc lại thêm một lần nữa. Hình ảnh đôi cánh trắng thấp thoáng trong suy nghĩ em. Em chong mắt ra ngoài phía nắng chờ đợi. Giọt nắng đọng trong đôi mắt em long lanh. “A”, em reo lên. Khuôn mặt em bừng sáng nụ cười. Em ghé thầm vào tai cô y tá. Chị cũng mỉm cười như đóa hoa tươi nở.

Ngày hôm ấy và ngày hôm sau, những ngày sau nữa, mỗi khi có người bước qua căn phòng bệnh đều bắt gặp một cô bé xếp những con hạc giấy tung cánh bằng niềm say sưa bất tận. Đôi mắt em ngập tràn hi vọng. Em cứ gấp, gấp mãi rồi đem tặng cho những người bệnh nhân khác như một phép màu với câu thần chú “Đừng bao giờ đánh mất hi vọng”. “Đừng bao giờ bỏ cuộc” “Hãy giữ vững niềm tin”. Phép màu của riêng em đã thực sự làm nên điều kì diệu.

Sưu tầm


Blog, Updated at: 19 tháng 9

0 nhận xét: